Dịch vụ an ninh mạng sẽ được xem xét vào tháng 5

4 tháng 1, 2022

Việc bổ sung sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Phụ lục IV của Luật Đầu tư và ban hành quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng đáp ứng được những yêu cầu cấp bách và tháo gỡ nhiều bất cập sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hoàng Phong (VnExpress)


Sáng 4-1, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (gọi tắt là dự án 1 luật sửa 8 luật). Trong đó, liên quan đến các quy định về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng trong Luật Đầu tư, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư, gồm 227 ngành, nghề chưa quy định về hoạt động “kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng”.


Trước đề xuất bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm, điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng tại Luật An ninh mạng. Luật An ninh mạng chưa quy định cụ thể về hoạt động “kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng”, nhưng đã đề cập đến các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng và các nội dung tương tự liên quan với chức năng bảo vệ hoạt động của con người, các thiết bị phần cứng, phần mềm, mạng và dữ liệu trên không gian mạng khỏi các tác nhân gây hại.


"Nội dung này sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5) để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc đề xuất bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện", ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát Danh mục theo quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.


Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo An ninh mạng Quốc gia đã nêu mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu nguy cơ bị xâm hại an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 22 về chương trình trình hành động, đảm bảo an ninh mạng quốc gia, giao cho Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm dịch vụ an ninh mạng.


Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an, cho rằng việc bổ sung sẽ tạo hành lang pháp lý để thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị, Chính phủ giao cho Bộ Công an về chiến lược bảo vệ an ninh mạng quốc gia. 


"Thời gian qua, từ thực tiễn công tác và qua kiểm tra trực tiếp tại 26 bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương có hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia đã phát hiện có lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng bị lây nhiễm mã độc phần mềm gián điệp", tướng Quang nói. 


Một trong những nguyên nhân dẫn đến lỗ hổng bảo mật trên, theo ông Quang, là chưa có hành lang pháp lý để quản lý doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng. Vì vậy, các cơ quan có nguy cơ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của đơn vị không đủ năng lực. Bộ Công an cho rằng đây sẽ là kẽ hở nghiêm trọng, nếu bị lợi dụng sẽ xâm hại trực tiếp đến an ninh quốc gia, an ninh kinh tế và trật tự an toàn xã hội.

Trung tướng Lương Tam Quang. Ảnh: Phương Sơn (VnExpress)




Sản phẩm an ninh mạng bao gồm: sản phẩm bí mật để thu thập thông tin (thiết bị mà phần cứng, phần mềm có chức năng thu thập thông tin tài liệu qua không gian mạng - phần mềm gián điệp); sản phẩm kiểm soát an ninh lưu lượng mạng (trong đó thiết bị phần cứng, phần mềm chuyên dụng dành cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được thiết kế với tính năng đặc thù để bảo vệ các mục tiêu, hệ thống thông tin nhằm cảnh báo, phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm phạm an ninh mạng; dịch vụ giám sát an ninh mạng, kiểm thử an ninh mạng, đào tạo kiến thức, tư vấn mạng, đánh giá tiêu chuẩn an ninh mạng...


Theo báo cáo của Bộ Công an, việc bổ sung sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Phụ lục IV của Luật Đầu tư và ban hành quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng sẽ đáp ứng được những yêu cầu cấp bách và tháo gỡ nhiều bất cập.


Một là, tạo căn cứ pháp lý để Chính phủ xây dựng “Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng”, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ an ninh mạng.


Hai là, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về quản lý sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng là góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh mạng, hiệu quả trong công tác bảo vệ an ninh mạng. Bộ Công an cho biết, chỉ trong 3 năm qua, bộ đã phát hiện gần 150 trường hợp lộ, lọt bí mật, với hàng ngàn tài liệu nội bộ, trong đó có nhiều tài liệu thuộc danh mục Mật, Tối mật và Tuyệt mật.


Ba là, góp phần thừa nhận, công nhận về mặt pháp lý đối với sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, hiện đã và đang được kinh doanh trên thị trường là một ngành nghề để quản lý. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia đã hình thành nền công nghiệp an ninh mạng và thị trường an ninh mạng, quản lý và thúc đẩy kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng.


Bốn là, tạo hành lang pháp lý để quản lý, kiểm soát về chất lượng sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng khi đưa vào các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, các mục tiêu trọng yếu quốc gia. Sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng là các hoạt động có tổ chức của con người, các thiết bị phần cứng và phần mềm được tạo ra với mục đích bảo vệ hoạt động của con người, mạng, dữ liệu trên không gian mạng trước các tác nhân gây hại. Càng là các mục tiêu trọng yếu, yêu cầu về sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng càng khắt khe và nghiêm ngặt, bao gồm: các yêu cầu về chất lượng sản phẩm và điều kiện con người, với mục tiêu phòng hơn chống.


Năm là, góp phần quản lý, kiểm soát các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng của nước ngoài đưa vào Việt Nam và đáp ứng yêu cầu, xu thế phát triển công nghệ của thế giới.

“Một số quốc gia trên thế giới đã quy định sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới cho thấy, có nhiều nước xây dựng, áp dụng các điều kiện đối với chủ thể kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng và đưa vào trong các văn bản pháp luật, điển hình là Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Singapore”, người đứng đầu ngành tư pháp cho biết.



Quy mô của ngành công nghiệp an ninh mạng toàn cầu năm 2019 đạt 124,401 tỷ USD và năm 2020 là 127,827 tỷ USD. Thị trường an ninh mạng của nước ta đã được hình thành, nhiều doanh nghiệp an ninh mạng đã được thành lập, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, bán sản phẩm cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam đã mua các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.


Nguồn : Tổng hợp từ VnExpress và Báo Sài Gòn Giải Phóng

Bạn cũng có thể quan tâm

4 tháng 6, 2024
Bộ định tuyến chơi game TP-Link Archer C5400X dễ mắc phải các lỗi bảo mật có thể cho phép kẻ tấn công từ xa, không được xác thực thực thi các lệnh trên thiết bị.
3 tháng 6, 2024
Ngày 27 tháng 5 Check Point đã cảnh báo rằng các tác nhân đe dọa đang nhắm mục tiêu vào các thiết bị VPN truy cập từ xa của Check Point trong một chiến dịch đang diễn ra nhằm xâm phạm mạng doanh nghiệp.
31 tháng 5, 2024
Công ty quản lý đơn thuốc Sav-Rx cảnh báo hơn 2,8 triệu cá nhân ở Hoa Kỳ việc họ đã bị vi phạm dữ liệu và dữ liệu cá nhân của họ đã bị đánh cắp trong một cuộc tấn công mạng năm 2023.
Thêm bài viết
Share by: